Đoàn công tác của Sở GD&ĐT Quảng Bình vừa có buổi làm việc với UBND huyện Bố Trạch về tình hình phát triển giáo dục trên địa bàn huyện, đồng thời tăng cường phối hợp trong công tác quản lý đối với lĩnh vực giáo dục. 

 

Thông qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã vận động được các nguồn hỗ trợ để trao tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh khó khăn.


Trọng tâm của hội nghị là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đơn vị như: Việc dạy học trực tuyến, thực trạng thiếu giáo viên, một số đơn vị chưa đáp ứng cơ sở vật chất trường học, thiếu thiết bị dạy học...

 

Tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đề nghị địa phương cũng như ngành Giáo dục, các trường học cần kịp thời rà soát  học sinh thuộc diện khó khăn, chưa được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến để kịp thời có phương án hỗ trợ.

 

Theo ông Tuấn, việc hỗ trợ thiết bị học tập không chỉ phục vụ việc học trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà còn hỗ trợ cho công tác chuyển đổi số trong giáo dục.

 

Làm việc với huyện Bố Trạch, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng đề cập đến vấn đề còn hạn chế ở địa phương này nói riêng và toàn tỉnh Quảng Bình nói chung.

 

Theo đó, tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong lộ trình còn chậm do tiêu chí cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non trong độ tuổi đến trường chưa bảo đảm vì thiếu biên chế giáo viên.

 

Đội ngũ giáo viên tiểu học thiếu trầm trọng do trong năm học 2021 - 2022, số lớp tăng buộc các trường phải dồn lớp, dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, khiến giáo viên các trường phải dạy quá số tiết trong tuần. Đặc biệt, giáo viên Tin học cấp tiểu học chưa được tuyển dụng nên gây khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

Cùng với đó, việc bố trí giáo viên bảo đảm đồng bộ về số lượng và cơ cấu bộ môn gặp khó khăn do cấp THCS đa số giáo viên được đào tạo đơn môn; Môn Khoa học tự nhiên lớp 6 giáo viên chưa được bồi dưỡng. Việc bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do nhiều đơn vị không có nguồn kinh phí, nhất là bồi dưỡng giáo viên các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học để dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử, Địa lý chuyển sang dạy môn Khoa học xã hội.

 

Bên cạnh đó, nhiều xã vùng khó khăn không còn chế độ, vì vậy công tác phổ cập giáo dục THCS để đáp ứng theo yêu cầu còn gặp nhiều khó khăn, việc duy trì chất lượng phổ cập thiếu bền vững vì tỷ lệ tốt nghiệp THCS, học nghề hoặc vào trung học phổ thông chưa bảo đảm.

 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị trường học cũng như địa phương cần nỗ lực hơn nữa, tận dụng mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra.

Tiến Việt - GD&TĐ