GD&TĐ - Một số ngoại ngữ như: Tiếng Nga, Thái Lan… được xem là tiếng hiếm khi số lượng sinh viên theo học ít.
Tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng làm thủ tục nhập học.
Tuy nhiên, chọn theo học ngoại ngữ hiếm cũng đồng nghĩa người học có nhiều cơ hội việc làm sau này.
Trần Văn Huy Hoàng, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Thừa Thiên - Huế) quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào Ngôn ngữ Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho dù điểm thi môn Anh văn là khá cao, 9 điểm.
Hoàng cho biết: “Với 9 điểm môn Anh văn, được nhân đôi hệ số, em tin tưởng là đăng ký xét tuyển vào những ngành có điểm trúng tuyển cao thì em vẫn đỗ. Nhưng em chọn ngành Ngôn ngữ Nga để theo học. Mục tiêu của em là phải đạt được suất du học bằng học bổng Nhà nước. Theo như em tìm hiểu thì cơ hội này sẽ không quá khó khi trở thành sinh viên khoa Nga”.
3 sinh viên Nguyễn Viết Hoàng lớp 21CNNDL01, Hồ Thị Xuân Mai và Lê Anh Thi lớp 21CNN01 của Khoa Tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đã đoạt giải Nhất cuộc Kỳ thi Olympic tiếng Nga lần thứ XIX. Đây là kỳ thi do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức.
Nếu giành giải Nhất ở cuộc thi này, sinh viên sẽ nhận được học bổng du học toàn phần tại Nga 5 năm ở một số chuyên ngành, bao gồm: Ngôn ngữ, báo chí, du lịch, kinh tế… Ngoài ra, mỗi năm, Khoa Tiếng Nga đều có từ 4 - 6 sinh viên được cử đi học diện chuyển tiếp tại Liên bang Nga khoảng 10 tháng.
Riêng ngành tiếng Thái Lan, mỗi năm Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TPHCM hỗ trợ 20 suất học bổng cho 20 sinh viên với trị giá 5 triệu đồng/suất. Sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Thái Lan đều được Tổng Lãnh sự quán giới thiệu thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp Thái Lan ở TPHCM, các tỉnh, thành lân cận và tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Sau kỳ thực tập, nhiều sinh viên đã được nhận vào làm việc tại các đơn vị này.
PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, cho biết, nhà trường còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Thái Lan (TICA) về trang thiết bị tư liệu học tập, mở Phòng tư liệu tiếng Thái, giúp SV tìm hiểu và nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Thái Lan. Ngoài diện được nhận học bổng, sinh viên ngành tiếng Thái còn có cơ hội tham gia nhiều chương trình hoạt động giao lưu giữa thanh niên sinh viên hai nước Việt Nam - Thái Lan.
Sau 2 năm buộc phải dừng đào tạo vì khó tuyển sinh, từ năm học 2012 - 2013, ngành Ngôn ngữ Nga của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng bắt đầu “ấm” dần lên. Số lượng tuyển sinh đủ để biên chế thành 2 lớp. Đây là sự tạo đà ấn tượng cho những năm tuyển sinh sau của nhà trường. Phòng văn hóa Nga đã được Trường ĐH Ngoại ngữ đưa vào khai thác, sử dụng. Nhà trường đã xây dựng Không gian Phòng văn hóa Nga nhằm phục vụ cho các hoạt động học tập, nghiên cứu, sinh hoạt ngoại khóa.
“Nhúng” sinh viên ngoại ngữ trong môi trường tiếng thực tế, sinh viên Khoa Nga của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng được tạo môi trường tiếp xúc với các gia đình người Nga đang sinh sống tại Đà Nẵng thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ. Đây là một cách để sinh viên tiếp xúc với văn hóa Nga cũng như phong cách của người Nga.
Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội thực hành tiếng với người bản xứ thông qua tương tác với các giảng viên tình nguyện tại trường. Từ môi trường tiếng thực này, các giảng viên sẽ hiểu được người học đang thiếu gì, yếu gì để có thể điều chỉnh, bổ sung trong quá trình dạy học.
Nguồn: Báo GD&TĐ