GD&TĐ - Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các nhà trường.

 

Cô Nguyễn Thị Ngoãn - đảng viên chi bộ Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông trong một giờ lên lớp.

 

Xây dựng nghị quyết chuyên đề

 

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nam Định, phòng GD&ĐT Nghĩa Hưng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục.

 

Ông Lại Trọng Hiếu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) khẳng định, đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo (Nghị quyết 29) và Chỉ thị 05 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Trên tinh thần đó, các chi bộ trường học đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 và phong trào thi đua đổi mới sáng tạo.

 

“73 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS trên địa bàn huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, bám sát nội dung các tiêu chí trong Bộ chỉ số. Qua đó, đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng trường” – ông Hiếu nhấn mạnh.

 

Một tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin của Trường THCS thị trấn Rạng Đông.

 

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm học 2018-2019, Trường THCS thị trấn Rạng Đông đã trang bị máy chiếu, hệ thống loa đài, camera giám sát tới các lớp học. Thầy Nguyễn Văn Minh - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đến thời điểm này, hệ thống hạ tầng, thiết bị phục vụ chuyển đổi số đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy – học và công tác quản trị của trường.

 

Cùng với triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Chi bộ Trường tiểu học xã Nghĩa Sơn đã xây dựng Nghị quyết tập trung cho cơ sở vật chất nhằm phục vụ chuyển đổi số.

 

Thầy Nguyễn Văn Tuân - Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng phụ trách – cho biết, nhà trường đã trang bị, nâng cấp 4 phòng tin học cho Khu trung tâm và 3 điểm trường lẻ. Hiện 48/48 lớp được trang bị ti vi thông minh có kết nối Internet.

 

Một lớp học có ứng dụng công nghệ thông tin của Trường tiểu học xã Nghĩa Sơn.

 

Còn tại Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông, cô Phó Hiệu trưởng Dương Thị Cúc cho biết, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 và Chỉ thị số 05, Chi bộ đã đưa nội dung bồi dưỡng chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng, gắn với yêu cầu mỗi đảng viên gương mẫu, đi đầu, đổi mới sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.

 

Đặc biệt, Chi bộ đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giai đoạn 2021-2025, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của từng đảng viên, giáo viên, chi bộ đã xây dựng chương trình hành động, định hướng nội dung bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên.

 

Theo cô Cúc, các chuyên đề mà Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông đã và đang triển khai như: Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lí dạy học, thiết kế bài giảng E-learning; ứng dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế thiết bị dạy học số, tạo câu hỏi, bài kiểm tra, bài học online; xây dựng ma trận đề kiểm tra và bảng đặc tả…

 

“Đây là những chuyên đề nhận được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên. Các chuyên đề được triển khai theo hướng linh hoạt, thiết thực và hiệu quả, đáp ứng mong mỏi giáo viên” - cô Cúc nhấn mạnh.

 

Một hoạt động bồi dưỡng về chuyển đổi số giáo dục cho giáo viên Trường tiểu học xã Phúc Thắng.

 

Những chuyển động tích cực

 

Là đảng viên trẻ, cô Nguyễn Thị Ngoãn - đảng viên chi bộ Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông đã tự ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Theo đó, từ những việc làm giản dị, gắn với chuyên môn, nghiệp vụ đều được cô thực hiện.

 

“Tôi chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; tích cực tham gia bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực sư phạm và làm chủ công nghệ” – cô Ngoãn bộc bạch.

 

Theo ông Trần Văn Nam - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hưng, tính đến tháng 5/2023, toàn huyện có 24 trường mầm mon, với 383 lớp học (đạt 95%) được trang bị phương tiện, thiết bị giáo dục, dạy học có kết nối internet, phục vụ cho giáo viên khai thác học liệu số và bài giảng điện tử. Với cấp tiểu học, có 489 lớp/24 trường và cấp THCS có 295 lớp/25 trường được trang bị phương tiện, thiết bị nêu trên.

 

Đáng chú ý, các tiện ích thiết thực của công nghệ thông tin được ứng dụng hiệu quả trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính. Theo đó, từ đầu năm đến nay, phòng đã tiếp nhận 213 hồ sơ; trong đó, đã giải quyết 210 hồ sơ, đạt 100%, 3 hồ sơ đang giải quyết. Có 212/213 thủ tục thuộc lĩnh vực GD&ĐT thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

 

Trường tiểu học xã Nghĩa Thịnh trang bị bảng tương tác phục vụ cho thầy - trò trong dạy - học.

 

Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa Phòng GD&ĐT với Sở GD&ĐT, với UBND huyện, các cơ quan trong huyện và các trường dưới dạng điện tử đạt 100%. Quy trình nội bộ giải quyết các TTHC được điện tử hóa và cập nhật công khai trên cổng dịch vụ công của huyện. Nhờ vậy, các giao dịch hành chính đều được bảo đảm đúng quy trình, quy định, tiến độ thời gian.

 

“Từ năm học 2021-2022 đến nay, ngành GD&ĐT Nghĩa Hưng đã động viên, khuyến khích giáo viên tham gia các cuộc thi như: Thiết kế thiết bị dạy học số, thiết kế bài giảng Elearning.

 

Cuộc thi không chỉ giúp giáo viên bước ra vùng an toàn, mà còn khẳng định chuyển đổi số là xu hướng mới của giáo dục và công nghệ là “chìa khóa” của tương lai” – ông Nam nêu quan điểm.

 

Viện dẫn cho quan điểm của mình, Phó trưởng phòng GD&ĐT Nghĩa Hưng chia sẻ, tại Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức (lần 1), huyện Nghĩa Hưng có 121 sản phẩm dự thi.

 

Kết quả, có 3 giải Nhất, 17 giải Nhì, 21 giải Ba và 25 giải Khuyến khích. Ở lần 2, có 88 sản phẩm dự thi và có 50 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 7 giải Nhất, 6 giải Nhì, 12 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.

 

Đối với Cuộc thi thiết bị dạy học số (cấp tiểu học), toàn huyện có 84 sản phẩm dự thi, trong đó 72 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh, 11 sản phẩm đoạt giải, gồm: 5 giải Nhất, 6 giải Nhì. Có 3 sản phẩm đạt giải Khuyến khích cấp Bộ.

 

“Có thể nói, chuyển đổi số trong giáo dục đã thu hẹp khoảng cách, tạo ra các trải nghiệm mới cho thầy – trò trong dạy – học. Trên hết là mang đến chuyển động tích cực, với những đột phá mới trong giáo dục” – ông Nam nhấn mạnh.



Chuyển đổi số không phải là công việc dễ dàng và có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Song, vì mục tiêu phát triển giáo dục bền vững, cần sự chung tay, nỗ lực và quyết tâm cao của tất cả cán bộ, đảng viên, giáo viên huyện Nghĩa Hưng”ông Lại Trọng Hiếu bày tỏ.

 

Nguồn: Báo GD&TĐ